Hướng Dẫn Các Bước Làm Thủ Tục Hải Quan Chi Tiết Nhất

Hiện nay, ngành kinh tế nước ta đang ngày càng phát triển, nhà nước khuyến khích đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa để mở cửa giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để kiểm soát được hoạt động xuất nhập khẩu được diễn ra một cách ổn định, chặt chẽ, tránh những tình trạng tiêu cực xảy ra, nước ta quy định tất cả mọi hàng hóa muốn xuất ra nước ngoài hay nhập vào Việt Nam đều phải tiến hành thủ tục hải quan.Vậy thủ tục hải quan là gì? Các bước làm thủ tục hải quan như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay bây giờ.

1. Thủ tục hải quan là gì?

Trên mạng hiện có rất nhiều định nghĩa về thủ tục hải quan và mỗi định nghĩa lại có những cách giải thích khác nhau, nhìn chung chưa có tính quy phạm và chưa thật sự chính xác, đúng bản chất. Định nghĩa đầy đủ và được nhà nước công nhận về thủ tục hải quan được quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật Hải quan năm 2014 như sau:

Thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định của Luật này đối với hàng hoá, phương tiện vận tải”.

Trong đó, “Người khai hải quan bao gồm: chủ hàng hoá; chủ phương tiện vận tải; người điều khiển phương tiện vận tải; đại lý làm thủ tục hải quan, người khác được chủ hàng hoá, chủ phương tiện vận tải uỷ quyền thực hiện thủ tục hải quan(theo khoản 14 Điều 4 Luật Hải quan 2014).

thủ tục hải quan

Và công chức hải được quy định theo Điều 15 Luật Hải quan như sau:

“1. Công chức hải quan là người có đủ điều kiện được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan hải quan; được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Chế độ phục vụ, chức danh, tiêu chuẩn, lương, phụ cấp thâm niên, chế độ đãi ngộ khác đối với công chức hải quan, hải quan hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, trang phục, giấy chứng minh hải quan theo quy định của Chính phủ”.

2.  Tại sao phải tiến hành thủ tục hải quan?

Nước ta là nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa và thuộc hệ thống Civil law (tức luật thành văn) nên mọi hoạt động của công dân đều được nhà nước kiểm soát bằng pháp luật. Hoạt động xuất nhập khẩu là hoạt động trực tiếp hợp tác với các nước ngoài nên rủi ro rất lớn nếu không thực hiện chặt chẽ ngay từ khâu làm thủ tục hải quan. Mục đích của nhà nước khi quy định các chủ thể tiến hành thủ tục hải quan là:

thủ tục hải quan

– Ngăn chặn và xử lý các hành vi xuất nhập khẩu hàng cấm, hàng lậu qua biên giới, phát hiện kịp thời những hàng hóa là nguy cơ dẫn đến các dịch bệnh lây lan.

– Kiểm soát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được tiến hành theo quy củ, không bị lộn xộn.

–  Phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký, vì khi đã kí kết các Điều ước quốc tế này thì Việt Nam phải tuân thủ và có trách nhiệm thực hiện đúng.

– Thống kê lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ra vào lãnh thổ Việt Nam để đánh giá sự tăng trưởng của nền kinh tế hàng năm.

– Nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới vì quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, giảm bớt rủi ro, giữ được uy tín đối với bạn bè quốc tế.

Bài viết tham khảo:

3.  Các bước làm thủ tục hải quan

Khi tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thì các chủ thể liên quan bắt buộc phải tiến hành làm thủ tục hải quan.Sau đây là những bước chung để làm thủ tục hải quannhập khẩu và xuất khẩu.

Làm thủ tục hải quan gồm 3 bước chính theo Điều 21 Luật Hải quan 2014 sau đây:

Bước 1: Khai hải quan

– Ở bước này, người khai hải quan sẽ có nhiệm vụ “Khai và nộp tờ khai hải quan; nộp hoặc xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 24 của Luật này” (khoản 1 Điều 21 Luật Hải quan 2014)

Trong đó, hồ sơ hải quan được quy định tại điều 24 Luật Hải quan như sau:

1. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan;
b) Chứng từ có liên quan.

Tùy từng trường hợp, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chứng từ thuộc hồ sơ hải quan là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử. Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính toàn vẹn và khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”

thủ tục hải quan

Vậy, tờ khai hải quan là gì? Là một văn bản trong đó ghi rõ các thông tin cần thiết cho hoạt động xuất khẩu khẩu hàng hóa qua khu vực hải quan như thông tin, số lượng, quy cách của hàng hóa.

+ Đối với thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa thì khai hải quan gồm các giấy tờ như: Booking note, Invoice, Packing list, Giấy phép xuất khẩu (nếu hàng xuất cần giấy phép).

+ Đối với thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa cần các chứng từ sau: Giấy phép nhập khẩu (nếu hàng cần giấy phép khi nhập khẩu), Invoice, Packing list, Bill of lading, C/O (nếu có), Phyto (nếu có), C/A, C/Q (nếu có).

– Tương ứng với việc người khai hải quan xuất trình các hồ sơ hải quan thì cơ quan hải quan, công chức hải quan sẽ “Tiếp nhận và đăng ký hồ sơ hải quan” (điểm a khoản 2 Điều 21 Luật Hải quan 2014).

Bước 2: Xuất trình hàng hóa

Sau khi đã hoàn tất các hồ sơ hải quan cần thiết, người khai hải quan sẽ tiến hành “Đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định để kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện vận tải” (điểm b khoản 1 Điều 21 Luật hải quan). Khi hàng hóa và phương tiện vận tải đã được đưa đến các ga, cảng thì cơ quan hải quan cũng tiến hành “Kiểm tra hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện vận tải” (điểm b khoản 2 Điều 21 Luật Hải quan 2014).

thủ tục hải quan

Ở giai đoạn kiểm tra này, người ta chia ra 3 luồng để kiểm tra tương ứng với 3 mức như sau:

– Luồng xanh (mức 1): tức được miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ và miễn kiểm tra thực tế hàng hoá.

– Luồng vàng (mức 2): tức bị kiểm tra chi tiết hồ sơ nhưng được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá.

– Luồng đỏ (mức 3): tức bị kiểm tra chi tiết hồ sơ và cả kiểm tra chi tiết hàng hoá.

Bước 3: Thực hiện các nghĩa vụ hải quan

Sau khi được kiểm tra hàng hóa theo các mức như trên thì người khải hải quan sẽ tiến hành Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.(điểm c khoản 1 Điều 21 Luật hải quan 2014).

thủ tục hải quan

Tương ứng với đó, cơ quan hải quan sẽ “Tổ chức thu thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan” (điểm c khoản 2 Điều 21 Luật Hải quan 2014).

Bước 4: Thông quan hàng hóa

Thủ tục thông quan là thủ tục cuối cùng trong quá trình làm thủ tục hải quan. Ta cần hiểu:“Thông quan là việc hoàn thành các thủ tục hải quan để hàng hóa được nhập khẩu, xuất khẩu hoặc đặt dưới chế độ quản lý nghiệp vụ hải quan khác” (khoản 21 Điều 4 Luật hải quan 2014).

Sau khi kiểm tra những bước cuối cùng, cơ quan hải quan sẽ xác nhận có hay không “Quyết định việc thông quan hàng hoá, giải phóng hàng hóa, xác nhận phương tiện vận tải đã hoàn thành thủ tục hải quan” (điểm d khoản 2 Điều 21 Luật Hải quan 2014).

4. Những lưu ý khi làm thủ tục hải quan

Khi làm thủ tục hải quan người khai hải quan phải lưu ý một số điều quan trọng sau đây:

–  Thời gian nộp tờ khai hải quan: được quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật hải quan 2014 như sau:

a) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nộp sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm người khai hải quan thông báo và chậm nhất là 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; đối với hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 02 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh;

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu, nộp trước ngày hàng hoá đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hoá đến cửa khẩu”
c) Thời hạn nộp tờ khai hải quan đối với phương tiện vận tải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật này”

thủ tục hải quan

– Phương thức đăng ký tờ khai hải quan: được quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật hải quan 2014:

“1. Phương thức đăng ký tờ khai hải quan được quy định như sau:

a) Tờ khai hải quan điện tử được đăng ký theo phương thức điện tử;
b) Tờ khai hải quan giấy được đăng ký trực tiếp tại cơ quan hải quan”.

– Nghĩa vụ của người khai hải quan: được quy định tại khoản 2 điều 18 Luật hải quan:

“a) Khai hải quan và làm thủ tục hải quan theo quy định của Luật này;

b) Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin để cơ quan hải quan thực hiện xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan;
d) Thực hiện quyết định và yêu cầu của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá, phương tiện vận tải;

đ) Lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hoá đã được thông quan trong thời hạn 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; lưu giữ sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn do pháp luật quy định; xuất trình hồ sơ, cung cấp thông tin, chứng từ liên quan khi cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra theo quy định tại các điều 32, 79 và 80 của Luật này;

e) Bố trí người, phương tiện thực hiện các công việc liên quan để công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hoá, phương tiện vận tải;
g) Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan”

Bài viết trên đã giải thích cho các bạn tất cả những thắc mắc về cách thủ tục hải quanvà những lưu ý quan trọng mà người khai hải quan phải thực hiện, hy vọng các bạn sẽ thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu suôn sẻ và tuân theo pháp luật.

 

You May Also Like

About the Author: Nguyễn Thế Hoàng

Là một người đam mê tìm hiểu về kinh doanh, tài chính, ngân hàng, chuyên hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp về các thủ tục pháp lý, cách thành lập công ty, làm báo cáo thuế, bảo hiểm.