X
    Categories: Giáo Dục

TẤT TẦN TẬT VỀ NGÀNH QUẢN TRỊ NHÂN SỰ CHO NHỮNG AI CHƯA BIẾT

Bạn đang quan tâm đến ngành quản trị nhân sự? Bạn chưa biết ngành quản trị nhân sự phải thi khối gì? Bạn không hiểu rõ vai trò của quản trị nhân sự trong doanh nghiệp? Hãy để chúng tôi giới thiệu tất tần tật về ngành quản trị nhân sự.

1. Ngành quản trị nhân sự là gì?

Quản trị nhân sự là công tác quản lý nguồn nhân lực, lực lượng lao động của doanh nghiệp. Quản trị nhân sự bao gồm một số nhiệm vụ cơ bản sau: thu hút, tuyển dụng, đào tạo nhân viên, đánh giá kết quả lao động, chấm công, tính lương, thưởng, quản lý hồ sơ cơ bản của người lao động, đồng thời giám sát cấp lãnh đạo, đảm bảo mọi hoạt động trong doanh nghiệp phù hợp với Luật Lao động và Luật việc làm.

Ngành quản trị nhân sự là một ngành được các trường Đại học, Cao đẳng thành lập và đào tạo về công tác quản trị nhân sự. Ngành quản trị nhân sự là một trong top những ngành được nhiều người theo đuổi hiện nay. Điều này xuất phát từ nguyên nhân nhu cầu về nhân lực trong bộ phận quản trị nhân sự ở các doanh nghiệp ngày càng tăng.

2. Tại sao phải có ngành quản trị nhân sự?

Bộ phận quản trị nhân sự là một bộ phận chủ chốt về nhân lực, nguồn nguyên khí của doanh nghiệp nên yêu cầu cho vị trí trong bộ phận này rất cao. Tại một số trường thì quản trị nhân lực chỉ là môn chuyên ngành của một ngành học về kinh tế, nhân sự. Xuất phát từ nhu cầu của các doanh nghiệp, ngành quản trị nhân sự ra đời để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về quản lý nhân lực, đào tạo, tuyển dụng nhân viên, chấm công, tính lương, đánh giá, kiểm tra nhân viên,…

Ngành quản trị nhân sự tại các trường Đại học, Cao đẳng mỗi năm đào tạo ra một lực lượng nhân viên bộ phận nhân sự có năng lực tốt, trình độ chuyên môn cao, khả năng phân tích, giải quyết vấn đề, tư vấn giải pháp cho người đứng đầu doanh nghiệp tốt.

3. Ngành quản trị nhân sự làm công việc gì?

Nhiều người thường nghe qua nhân viên bộ phận nhân sự, ngành quản trị nhân sự nhưng chưa thực sự hiểu biết ngành này có các công việc gì. Những công việc trong ngành quản trị nhân sự bao gồm:

– Tuyển dụng: Bộ phận quản trị nhân sự sẽ chịu trách nhiệm thu hút, tìm kiếm ứng viên để phỏng vấn, cho ứng viên thử việc và tuyển dụng nhân viên chính thức cho doanh nghiệp

.

– Chuẩn bị các thủ tục ký hợp đồng lao động, các chế độ phúc lợi xã hội cho nhân viên mới như bảo hiểm xã hội, tờ khai đăng ký thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm thất nghiệp và chế độ đãi ngộ như ngày nghỉ phép năm, ngày nghỉ trong tuần, thưởng, phụ cấp,…

– Đào tạo nhân viên: Ngành quản trị nhân sự sẽ chịu trách nhiệm chính xây dựng kế hoạch đào tạo nhân viên. Đối tượng đào tạo không chỉ những nhân viên mới chưa có kinh nghiệm với vị trí đảm nhiệm mà còn cả những nhân viên đang đảm nhiệm vị trí được đào tạo, bồi dưỡng thêm về trình độ chuyên môn để nâng cao hiệu quả lao động. Bên cạnh đó còn xây dựng các chế độ đãi ngộ nhân viên đạt thành tích xuất sắc để duy trì nguồn nhân lực có trình độ cao.

– Đánh giá nhân viên thông qua các yếu tố như hiệu quả làm việc (KPI), năng suất lao động, hiệu suất làm việc để đề xuất bổ nhiệm, thuyên chuyển vị trí nhân viên giữa các bộ phận trong doanh nghiệp.

– Xây dựng chính sách nhân sự cho doanh nghiệp đảm bảo thực hiện đúng chính sách do Nhà nước đề ra. Cụ thể ngành quản trị nhân sự sẽ đề ra chính sách xây dựng, bồi dưỡng nguồn nhân lực của công ty, những vấn đề cần khắc phục, bổ sung, đổi mới về nhân lực.

– Tư vấn cho ban giám đốc giải quyết vấn đề nhân sự. Khi xảy ra tình trạng khó khăn về nhân sự, bộ phận quản trị nhân sự sẽ đưa ra các giải pháp, hướng giải quyết vấn đề để những người đứng đầu doanh nghiệp có thể giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. Với công việc này, ngành quản trị nhân sự là công cụ đắc lực giúp ban giám đốc doanh nghiệp giải quyết triệt để tình trạng thiếu hụt nhân lực, công nhân bỏ việc không xin phép, khiếu nại của nhân viên,… đảm bảo được các quyền lợi của doanh nghiệp và cả người lao động.

– Tổ chức, xây dựng văn hóa tổ chức trong doanh nghiệp. Xây dựng quy tắc ứng xử giữa nhân viên với nhân viên, giữa nhân viên với cấp lãnh đạo để xây dựng một công ty thân thiện, phát triển bền vững.

Bài viết tham khảo:

4. Ngành quản trị nhân sự có những mảng nào?

Hiện nay, ngành quản trị nhân sự gồm có 2 mảng chính là Quản trị nhân sự và Quản trị nguồn nhân lực.

Quản trị nhân sự là mảng tập trung chính vào công việc quản lý hành chính (thủ tục) và quản lý công tác thực hiện các chính sách lao động phù hợp với pháp luật. Quản lý hành chính là quản lý những vấn đề liên quan đến người lao động về các thủ tục, hồ sơ, hợp đồng, thông tin của nhân viên doanh nghiệp. Thực hiện chính sách lao động là việc theo dõi, quản lý các hoạt động trong doanh nghiệp liên quan đến người lao động phù hợp với pháp luật về lao động.

Quản trị nguồn nhân lực là mảng chủ chốt, quyết định chất lượng của ngành quản trị nhân sự. Đây là mảng chịu trách nhiệm xây dựng bảng chỉ tiêu để đánh giá nhân viên như hiệu quả công việc, năng lực làm việc, thái độ chịu trách nhiệm trong công việc,…; xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân viên, xây dựng chiến lược thu hút, chiêu mộ nhân tài; thu hút, tuyển chọn ứng viên, phỏng vấn, tuyển dụng nhân viên; đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề nhân sự.

5. Học ngành quản trị nhân sự ra làm việc gì?

Tốt nghiệp ngành quản trị nhân sự, bạn chưa biết khi được tuyển vào bộ phận quản trị nhân sự của một doanh nghiệp sẽ làm công việc gì?

Vị trí làm việc của nhân viên sẽ phụ thuộc vào kinh nghiệm, trình độ và khả năng chuyên môn của bạn. Tùy theo quy mô của mỗi doanh nghiệp mà bộ phận quản trị nhân sự sẽ có những vị trí khác nhau. Dưới đây là một số vị trí ngành quản trị nhân sự dành cho sinh viên mới ra trường.

5.1. Vị trí nhân viên mảng hành chính nhân sự.

Vị trí này không yêu cầu về kinh nghiệm, phù hợp với các sinh viên mới ra trường, được đào tạo ngắn hạn tại doanh nghiệp tuyển dụng. Công việc chính là thực hiện các những thủ tục liên quan giấy tờ như giấy kê khai đăng ký nộp thuế và một số thủ tục đính kèm hợp đồng lao động, giấy khen, giấy chứng nhận, quản lý tài sản thuộc chế độ phúc lợi của người lao động (hỗ trợ chi phí xăng, xe, ăn, ở,…) và lập báo cáo kiểm kê tài sản lên trưởng bộ phận.

5.2. Vị trí tuyển dụng nhân viên

Đây cũng là một trong những vị trí không đòi hỏi về kinh nghiệm quá cao. Đặc thù của vị trí này là bạn phải nắm bắt được tình trạng nhân lực, nhu cầu nhân lực của tất cả các phòng ban trong doanh nghiệp. Do đó, kỹ năng giao tiếp, liên lạc với các phòng ban để tìm hiểu nhu cầu nhân lực là rất cần thiết. Với vị trí này, bạn sẽ thực hiện lựa chọn ứng viên, lên lịch phỏng vấn, phỏng vấn ứng viên để tìm ra những ứng viên phù hợp với nhu cầu nhân sự của doanh nghiệp. Và là một vị trí quan trọng trong ngành quản trị nhân sự hiện nay.

5.3. Vị trí tính lương nhân viên

Công việc chính của vị trí này là tính lương cho toàn bộ các nhân viên trong doanh nghiệp. Tính lương sẽ dựa trên những tiêu chí nhất định thông qua cơ chế đánh giá của mảng quản trị nguồn lực nhân sự xây dựng. Mỗi đối tượng được tính lương sẽ có những mức lương khác nhau nên công việc này yêu cầu về trình độ tính toán chính xác, xác định được đối tượng là nhân viên mới, nhân viên cũ hay có những chính sách đãi ngộ đặc biệt nào.

Bên cạnh đó, những vị trí yêu cầu trình độ cao hơn như vị trí đào tạo, vị trí quản lý nhân sự. Nếu hoàn thành công việc, đạt thành tích tốt thì bạn có thể thăng tiến lên những vị trí này. Và là một vị trí quan trọng hàng đầu không thể thiếu trong ngành quản trị nhân sự.

6. Muốn làm ngành quản trị nhân sự thi khối gì?

Ngành quản trị nhân sự yêu cầu về khả năng phân tích, giải quyết vấn đề nhân sự nhanh chóng, hiệu quả do đó muốn vào ngành này phải có đáp ứng về khối thi nhất định. Tùy vào các trường Đại học, Cao đẳng sẽ có các cơ chế tuyển sinh khác nhau, do đó sẽ có các khối thi khác nhau. Tuy nhiên, theo tổng hợp của chúng tôi, các khối A00 (Toán – Lý – Hóa), A01 (Toán – Lý – Anh), D01 (Toán – Anh – Văn) đều có thể thi vào ngành quản trị nhân sự. Các trường có ngành quản trị nhân sự đào tạo độc lập, dẫn đầu cả nước có thể kể đến như Trường Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), trường Đại học Kinh tế – Tài Chính TP HCM, Trường Đại học Nội Vụ Hà Nội,… Bên cạnh đó, một số trường Đại học, Cao đẳng khác cũng có tuyển khối C00 với tổ hợp môn Văn – Sử – Địa.

Để theo dõi về tiêu chí tuyển sinh cũng như tổ hợp môn được dự tuyển, bạn có thể tham khảo tại các trang tuyển sinh của các trường đào tạo ngành quản trị nhân sự này theo từng năm để có thông tin chính xác.

7. Những khó khăn trong ngành quản trị nhân sự

Bên cạnh những thuận lợi mà mọi người thường nhìn thấy là công việc ổn định, chế độ lương thưởng tốt (có thể là cao), được làm việc trong môi trường năng động,… thì ngành quản trị nhân sự này cũng có những khó khăn nhất định.

Đáp ứng nhu cầu nhân lực là khó khăn của ngành quản trị nhân sự. Ở những vị trí có yêu cầu chất lượng ứng viên rất khó để tìm kiếm, chiêu mộ được người có kinh nghiệm lâu năm để không phải mất thời gian đào tạo. Từ đó, bộ phận quản trị nhân sự phải xây dựng chiến lược đãi ngộ thu hút, giữ chân nhân tài nhưng vẫn phải đảm bảo tài chính của doanh nghiệp.

Dung hòa giữa quyền lợi người lao động và quyền lợi của doanh nghiệp. Đây là vấn đề khó khăn nhất mà ngành quản trị nhân sự đảm nhiệm, vì chính sách lương bổng của các doanh nghiệp thường bị người lao động phàn nàn. Bộ phận nhân sự phải đưa ra các chính sách, giải pháp để đảm bảo quyền lợi cả hai bên.

Hy vọng rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn hiểu được tất tần tật những vấn đề của ngành quản trị nhân sự. 

 

Nguyễn Thế Hoàng: Là một người đam mê tìm hiểu về kinh doanh, tài chính, ngân hàng, chuyên hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp về các thủ tục pháp lý, cách thành lập công ty, làm báo cáo thuế, bảo hiểm.